GOD IS LOVE
Nếu đã đọc tập 1 và tập 2 của “Muôn kiếp nhân sinh”, thì có nên đọc tiếp tập 3?
Hy vọng rằng bài viết này có thể cho bạn một vài gợi ý nào đó.
Mình đã bắt đầu đọc cuốn sách với rất nhiều sự háo hức. Có lẽ là vì những câu chuyện về các kiếp sống trước đây của Thomas. Nhưng, bằng một sự trùng hợp nào đó, rất nhiều thắc mắc của mình đã được gợi mở.
Chỉ có điều, lần này mình đọc mà quên ghi chép lại, thành ra, bài viết này sẽ chưa đầy đủ, còn thiếu một vài ý tứ sâu sắc mà bản thân mình đã cảm nhận khi đọc trọn vẹn câu chuyện về một kiếp sống nào đó của Thomas. Và biết đâu được, sự không đủ đầy này chính là cơ hội để bạn tìm đến cuốn sách trong một dịp tình cờ nào đó.
Mình lưu lại đây một số thông điệp mà mình đã đọc được từ những cuốn sách khác và đã được nhắc đến trong cuốn sách này:
“Ngay từ đầu, các hiền triết xứ này đã nói rất rõ với tôi rằng đừng tin vào những điều họ dạy mà phải biết nghi ngờ, tự mình suy nghĩ và tìm hiểu thật kỹ. Chỉ khi nào thấy một kiến thức hoàn toàn có lý, đúng với sự suy luận của mình thì mới chấp nhận. Tôi đã bỏ ra nhiều tháng để suy ngẫm về điều này trước khi chấp nhận sự giải thích đó. Tuy nhiên, khi tôi nói với họ rằng tôi đã tin tưởng những kiến thức này thì họ lại nói rằng sự tin tưởng đó là chưa đủ, vì lòng tin chân thật phải có sự trải nghiệm tâm linh. Các vị ấy giải thích rằng lòng tin đơn thuần (belief) dựa trên suy luận của lý trí thường dẫn đến sự chủ quan về một lý thuyết hay quan niệm nào đó. Sự tin tưởng như thế rất dễ dẫn lối người ta đến những điều lầm lạc, cố chấp, đôi khi cực đoan, cuồng tin. Lòng tin dựa trên lý trí không vững, vì người ta có thể khi tin, khi lại nghi ngờ. Các nhà hiền triết coi lòng tin không có trải nghiệm tâm linh là kiểu lòng tin nông cạn. Chỉ khi có sự thành tâm và trải nghiệm sâu sắc, qua công phu tu tập, được minh chứng rõ rệt mới được coi là lòng tin tuyệt đối (faith).”
“Em xin Ngài giúp em có đủ can đảm để chấp nhận những việc không như ý muốn để em có thể an ủi người khác hơn là được người ủi an; để có thể thông cảm với người khác hơn là được người cảm thông; để có thể ban rải tình thương hơn là được yêu thương, bởi vì em biết khi mình thật sự cho đi thì mới được nhận lãnh. Có tha thứ cho người khác thì mới được thứ tha…”
“Tình thương của con người và tình thương của Thượng Đế chỉ khác nhau về mức độ, bản chất thì vẫn như nhau. Tình thương giống như nguồn nước, tuôn chảy khắp nơi. Tình thương của Thượng Đế giống như biển cả mênh mông vô tận trong khi tình thương của con người thì như dòng suối nhỏ len lỏi qua mặt đất mà thôi. Khi con người biết thương yêu là khi họ quay về với Thượng Đế và khi họ yêu thương chân thành, không đòi hỏi là khi dòng suối bắt đầu hòa nhập vào biển cả. Thượng Đế đã dạy “Các con hãy thương yêu mọi người như thương yêu chính mình”. Càng hiểu rõ ý nghĩa của những điều được dạy thì ta càng tin tưởng nhiều hơn. Đã tin tưởng như thế thì phải thực hành đúng theo những lời được dạy và khi áp dụng nhiều chừng nào thì ta lại càng tin tưởng hơn chừng ấy. Tóm lại, không thể chỉ có việc chỉ tin tưởng mà không cần làm gì hết. Đã tin thì phải tìm hiểu ý nghĩa trong lời dạy để tin theo, để đem ra thực hành chứ không thể nói rằng mình tin nhưng lại hành động khác đi hoặc chỉ tin rồi để đó.”
Không hiểu sao, khi đọc “Muốn kiếp nhân sinh tập 3”, mình thấy có một mối liên hệ nào đó giữa cuốn sách này và cuốn “Bên rặng tuyết sơn”. Mình muốn mượn một đoạn ngắn trong “Bên rặng tuyết sơn” để thay cho lời tạm kết:
[Vào thời khắc Kapalak chào tạm biệt Satyakam sau khi đã làm tròn nhiệm vụ của một người sư huynh]
“Satyakam lưu luyến:
- Liệu chúng em còn gặp lại sư huynh không?
- Chúng ta có cùng một mục đích mặc dù con đường không giống nhau, nhưng ta tin rằng cuối cùng chúng ta sẽ gặp lại nhau.”
WE WILL ALL MEET AGAIN
Autumn,
A rainy day, October 01, 2023.
MUÔN KIẾP NHÂN SINH tập 3 | Nguyên Phong
Autumn Le
Bình luận bài viết